Phim ẢnhTin Tức

Review Phim ‘Free Guy’ – anh hùng bất đắc dĩ

Trong trò chơi điện tử, nhân viên ngân hàng Guy (Ryan Reynolds đóng) thản nhiên tán gẫu với bạn bè khi bị tội phạm đe dọa, cướp tiền.

Guy là một NPC (nhân vật) trong trò chơi điện tử Free City. Tại đây, anh sống cuộc đời lặp đi lặp lại theo lập trình của các nhà thiết kế game, hàng ngày đến ngân hàng thành phố làm việc và chờ đón những vụ cướp do người chơi thực hiện. Một ngày, anh gặp và phải lòng cô nàng Molotov Girl do kỹ sư máy tính Millie Rusk (Jodie Comer đóng) điều khiến. Guy quyết định thử cướp một chiếc kính mắt – thiết bị dành riêng cho các người chơi game – để tìm cách làm quen mỹ nhân.

Khi đeo kính, Guy có thể nhìn thế giới Free City như những người chơi game thông thường. Anh tìm gặp Molotov Girl và được cô giải thích về các khái niệm trong trò chơi điện tử như làm nhiệm vụ kiếm tiền, tăng điểm kinh nghiệm… Tuy nhiên, Guy không thích phá phách, cướp bóc thành phố mà chỉ giúp đỡ những người chơi khác. Những hành động đó biến anh thành hiện tượng trong cộng đồng game thủ nhưng bị các nhà phát hành ghét bỏ, tìm cách tiêu diệt.

Free Guy dễ đoán nhưng giàu tính giải trí, được lồng ghép một số thông điệp nhân văn về cuộc sống.

Chuyện phim lấy cảm hứng từ những trò chơi điện tử thể loại nhập vai trong thế giới mở. Free City có hệ thống hạ tầng hiện đại gồm ngân hàng, trung tâm thương mại… Trong đó, mỗi nhân vật có ngành nghề và tính cách khác nhau. Guy là chàng nhân viên ngân hàng vui vẻ, lạc quan. Bạn thân của anh là Buddy, bảo vệ thân thiện và vui tính. Ê-kíp xây dựng một thể giới mở như trong game, nơi mọi chuyện có thể xảy ra. Guy và Buddy có thể đi dạo thoải mái trên phố và không quan tâm đến những cuộc đấu súng, tai nạn giao thông ngay trước mắt. Một vài nhân vật cử động khó hiểu như liên tục đâm vào tường do lập trình lỗi hoặc điều khiển bất cẩn của người chơi.

Kịch bản theo mô-típ “từ số không thành người hùng” quen thuộc. Guy vốn là một nhân vật quần chúng, vô tình nhận sứ mệnh giải cứu Free City. Đạo diễn không dành nhiều thời lượng cho khâu phát triển nhân vật. Hành trình trở thành người hùng diễn ra trong phút chốc, dành đất cho những phân đoạn hài, hành động. Cách Guy học cách sở hữu sức mạnh, kỹ năng như người chơi thật cũng không được khai thác nhiều.

Tình yêu là động lực căn bản thúc đẩy Guy thoát khỏi kiếp NPC và đứng lên bảo vệ thế giới của mình. Về cuối, tác phẩm chuyển dần sang hướng tình cảm lãng mạn, tạo sự bất ngờ của cho người xem và giải thích lý do Guy là “người được chọn”. Qua câu chuyện của Guy, ê-kíp truyền tải chủ đề tư tưởng về việc thoát khỏi vùng an toàn, không chấp nhận cuộc sống an phận và đấu tranh để tìm hạnh phúc.

Jodie Comer (trái) trong vai đả nữ Molotov Girl. Ảnh: 20th Century Studios

Ê-kíp tạo một nhân vật có tính cách độc đáo, ngờ nghệch như robot nhưng ngay thẳng, không toan tính. Guy ban đầu ngỡ ngàng khi phát hiện sự thật về thế giới của mình. Tuy nhiên, anh nhanh chóng thích ứng và trở thành một người chơi giàu kinh nghiệm vì cả cuộc đời vốn đã sống tại đây.

Ryan Reynolds tỏa sáng khi đóng mô-típ nhân vật sở trường. Tài tử diễn những phân cảnh ngờ nghệch của Guy một cách tự nhiên, duyên dáng. Hóa thân nhân vật trong trò chơi điện tử, Reynolds càng có nhiều đất thể hiện phong cách diễn cường điệu hóa quen thuộc, từng rất thành công trong các phần phim Deadpool.

Ryan Reynolds tiếp tục thể hiện thế mạnh khi hóa thân những nhân vật hài hước, ngổ ngáo. Ảnh: 20th Century Studios

Tuyến phụ trong phim cũng thể hiện tròn vai. Jodie Comer hóa thân đả nữ Molotov Girl mạnh mẽ và thông minh. Cô luôn bình tĩnh trước những tình huống hiểm nguy, khiến Guy mê mẩn. Comer cũng đóng nhân viên lập trình Millie Rusk ở thế giới thật, một phụ nữ độc lập, hiện đại nhưng dịu dàng, nữ tính hơn phiên bản trong game. Taika Waititi tiếp tục thể hiện vai phản diện có phần nhí nhố, châm biếm như trong Jojo Rabbit (2019), bộ phim đoạt giải Oscar về kịch bản do chính ông đạo diễn. Các nhân vật Buddy, Keys… cũng để lại dấu ấn dù dất diễn không nhiều.

Đạo diễn chọn ngôn ngữ hình ảnh tươi sáng, hiện đại cho phim. Các cảnh nội, ngoại đều tràn ngập ánh sáng, không sử dụng các phương pháp đổ bóng để tạo hiệu ứng điện ảnh. Các nhân vật trong game mặc trang phục kiểu cách, màu sắc nổi bật. Phần kỹ xảo được làm giống các trò chơi điện tử, tạo sự thống nhất với kịch bản. Nhà làm phim thêm một số hiệu ứng thường được dùng trên các nền tảng streaming như Twitch, Youtube để tạo cảm giác Free City là một trò chơi điện tử thực sự.

Tác phẩm lồng ghép nhiều “Easter egg” – những chi tiết nhỏ lấy cảm hứng từ cộng đồng game thủ và văn hóa đại chúng Mỹ. Một số thương hiệu điện ảnh, trò chơi điện tử lớn như Marvel, Star Wars, Fortnite, Grand Theft Auto… xuất hiện trong phim. Nhiều streamer nổi tiếng của làng game cũng tham gia, đóng các nhân vật người chơi trong Free City.

Một cảnh trong “Free Guy” lấy cảm hứng từ vũ trụ điện ảnh Marvel. Ảnh: 20th Century Studios

Free Guy thu khoảng 321,1 triệu USD tại phòng vé sau khoảng một tháng ra rạp, thành tích được giới chuyên môn đánh giá tích cực trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tác phẩm được phát hành theo dạng có thu phí trên hệ thống phim trực tuyến của Disney cuối tháng 9. Phim cũng nhận lời khen từ đa phần giới phê bình, đạt điểm tươi 80% trên trang Rotten Tomatoes.

0/5 (0 Reviews)
Back to top button